Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bắc Kinh yêu cầu Manila ngừng khiêu khích ở Biển Đông
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
Ấn Độ, Israel tiến hành diễn tập an ninh chung
    Tin Việt Nam
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi Campuchia sau vụ nổ kho đạn
    Tin Cộng Đồng
Nắng nóng kỷ lục tại nhiều bang của Ấn Độ
    Tin Hoa Kỳ
Mật vụ Mỹ lên kế hoạch bảo vệ trong trường hợp ông Trump bị giam giữ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
Lý Hải trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng
    Âm Nhạc
Danh tính nữ ca sĩ Việt may mắn gặp Rosé (Blackpink), lại còn chiêu đãi fan ảnh cam thường
    Văn Học
Bắt học sinh đi học ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, hiệu trưởng bị xem xét kỷ luật

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Truyện Ngắn
Tìm lại
Đã mười lăm năm qua rồi....Hôm nay.....
... Bảo khẻ nhẹ lên vai người tài xế ra dấu cho ông ta dừng xe lại. Cảnh vật trước mắt, mà cứ ngỡ trong mơ. Bảo nhanh nhẹn bước ra, lòng cảm thấy bồn chồn lạ thường. Niềm mong ước từ nhiều năm qua, việc đầu tiên khi trở về là được đặt chân trên con đường cũ

 


 


Sáng nay, Bảo đã hiện hữu trên con đường như lòng thầm ước mơ. Chàng đứng lặng người trước ngôi nhà có dàn hoa ti gôn ngày nào. Những sự tưởng tượng của Bảo từ lâu khác hẳn với thực tế. Tuy rằng ngôi nhà vẫn còn đây nhưng trải qua bao mùa mưa nắng nay khá nhiều thay đổi. Dàn hoa ti gôn trước cổng đã thay vào bằng hàng hoa giấy màu tím sẫm. Màu nước sơn vàng cũng đã thay hẳn màu xanh dương. Mặc dù ngôi nhà nay khá nhiều thay đổi bên ngoài, nhưng khi ngước mắt  nhìn lên ban công, Bảo vẫn còn hình dung được Thanh, dáng người con gái Bảo từng si mê dạo ấy hình như vẫn còn đó.




Trái tim dấy lên sự rung động mảnh liệt từ hôm bất chợt gặp Thanh với mái tóc dài ngang lưng, tấm áo dài trắng thướt tha trong buổi sáng với chiếc xe đạp đi đến trường. Xa hơn tí nữa, cũng trên con đường này, Bảo tình cờ gặp được Thanh.




Cũng có cơn gió lành lạnh của trung tuần tháng mười hai như hôm nay vậy. Bảo gặp người con gái dắt chiếc xe đạp bị xẹp lốp, nét mặt lo sợ hiện rõ. Không biết vì cô gái đẹp hay bản tính anh hùng nổi dậy trong người Bảo, chàng đã giúp Thanh đẩy chiếc xe tới chỗ vá lốp. Thanh lúng túng đi theo Bảo với nét mặt rất ư e thẹn. Bảo đã bỏ công ngồi chờ cho ông thợ sữa xong xuôi đâu đó cho cô gái, chàng mới chịu chia tay.


 


Cô gái có mái tóc thề dài ngang lưng không quên cám ơn Bảo, và cho chàng biết tên của mình. Rồi cũng từ đó, sáng sáng với  bao mì nóng trên vai, Bảo cứ phải vòng qua vòng lại nhìn lên ban công mấy lần như thế mới chịu đi giao hàng. Thông thường, mọi ngày khoảng năm giờ sáng, Bảo đã giao những ổ bánh mì nóng cho quán con Vui, con Mưa làm thuê để kịp bán quà sáng cho những người công nhân qua lại trên đường phố. Nhưng sau dạo gặp Thanh, Bảo cứ mãi đến giao trễ, khiến Vui và Mưa bực mình giận dỗi, tra hỏi lý do cho bằng được. Hỏi riết Bảo không thể nào giấu chuyện tương tư của mình, bèn đem kể cho Vui và con Mưa nghe. Bảo tưởng chết được với hai con nhỏ. Nghe xong, hai đứa ngất nga ngất nghẽo cười òa, khiến Bảo mắc cở đến thẹn cả làng. Từ đó, hai con bạn không còn kêu tên thật của Bảo nữa, mà đặt tên khá đặc biệt cho chàng “thằng bán than”.


Đã là con hoang lai Mỹ, không đồng tiền dính túi còn bày đặt tương tư con nhà giàu học giỏi nữa, Mưa trề môi chọc quê Bảo. Bởi thế, cứ mỗi buổi sáng khi Bảo trờ mặt đến giao bánh mì, hai cái con nghịch tặc quái gở này réo tên thằng bán than khiến mọi người trong chợ cười òa.




Nhưng cứ để mặc Mưa, mặc Vui cười cho thỏa dạ, Bảo vẫn không tài nào quên được dáng người con gái ấy. Trong trí óc của Bảo, hình ảnh Thanh còn đẹp hơn tài tử Thẩm Thúy Hằng, hơn cô đào Kim Cương mà Bảo thường được nhìn lén lên tivi của những người trong xóm. Da mặt Thanh hồng hào trắng nõn, nét mặt e thẹn như đào Thanh Nga cải lương. Không hiểu ngày xưa chàng Trương Chi tương tư Mỵ Nương như thế nào, nhưng Bảo hiểu được nổi lòng của mình ngày mới lớn. Khi đã yêu, cho dù chỉ nhìn dáng dấp ẩn hiện của Thanh trên khung cửa sổ nhỏ cũng đủ làm cho Bảo vui trọn vẹn mỗi ngày. Bảo chỉ tiếc mình không biết thổi sáo vào đêm đêm như chàng Trương Chi, để diễn tả nỗi lòng của mình cho Thanh thấu rõ




             ............. 

....Ngày mẹ giao Bảo cho ngoại nuôi, Bảo vẫn còn nhớ.




Mặc dù xấp xỉ bảy tám tuổi, nhưng Bảo ngờ ngợ mộït điều gì không mấy rõ trong đôi mắt của những người hàng xóm nhìn mẹ con Bảo. Cái xóm lao động suốt ngày chỉ nghe toàn những câu vọng cổ và tiếng la hét đánh mắng con cái. Thật ra trong xóm này không phải chỉ mỗi mình Bảo con lai, nhưng còn có con Mưa, con Vui và thằng Khải nữa. Nhưng vì mẹ Bảo có tiếng đẹp nên những con mắt soi mói đều đổ dồn vào Bảo. Dường như có lắm đàn ông muốn gần gũi Bảo, hỏi Bảo về mẹ. Nhưng mẹ dặn không được trả lời cho bất cứ ai muổn tìm hiểu về mẹ. Thời gian ở gần mẹ chẳng được bao nhiêu, mẹ thường gởi Bảo cho bà Thoa, người láng giềng kế cạnh. Đôi khi hai ba hôm sau mẹ mới trở về. Cứ mỗi lần trở về như vậy, mẹ lại đóng cửa ở nhà suốt ngày, không giao thiệp với ai, kể cả bà Thoa cũng vậy. 

Bảo còn nhớ rõ, cái đêm người ta gõ cửa. Mẹ mắt nhắm mắt mở đẩy cánh cửa phòng ra, bất chợt hai người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát, ập vào không thèm hỏi tên tuổi, họ chụp lấy cánh tay của mẹ bẽ về sau lưng, dẫn mẹ đi. Bảo vừa khóc gào đòi mẹ, vừa chạy theo họ, nhưng mẹ quay lại nước mắt chảy dài không muốn Bảo chạy theo. Mẹ nói vọng lại:




-Chút nữa mẹ sẽ về. Nếu sợ ở nhà một mình, con qua ở tạm bên bà Thoa tối nay...

Chưa nói hét câu, người ta đã đẩy mẹ lên chiếc xe cam nhông chạy khuất cuối góc đường. Cũng may có bà Thoa cầm tay Bảo dẫn vào nhà của bà. Mặc dù bà Thoa dỗ dành gì đi nữa, Bảo cũng nhất định về lại căn phòng của hai mẹ con, nằm chờ mẹ. Bảo chỉ biết khóc, sợ hãi và gào đòi mẹ. Không biết Bảo đã thiếp đi bao lâu, cho đến khi Bảo nhận được bàn tay ấm áp ấp lên khuôn mặt của mình. Bảo mừng rỡ ngồi vụt dậy ôm cứng chặt lấy mẹ, khóc thảm thiết. Mẹ Bảo ôm chầm lấy con ngồi cúi mặt xuống bàn khóc. Nếu Bảo không lầm, hôm đó mẹ con Bảo chỉ ăn qua loa mấy củ khoai buổi sáng không được ăn bữa cơm trưa, chiều như mọi ngày. Thời gian qúa xa nhưng Bảo vẫn nhớ đến cơn đói khốc liệt đó. Và hiểu được nổi lòng mẹ, sau những trận khóc đã đời, Bảo đã len lén leo lên giường đắp mềm tay đè lên bụng để cố dằn cơn đói kêu gào trong người Bảo. Riết rồi Bảo cũng ngủ say quên mất mình chưa ăn.




Đêm về muộn màng, dường như cũng đã khuya lắm, mẹ thức Bảo dậy cầm ổ mì trao  cho Bảo. Bớ sớ trong giấc ngủ, nhưng Bảo cũng ngấu nghiến hết ổ mì trong thoáng chốc. Cho dù không bao lớn, nhưng trong đầu Bảo đã có ý niệm mẹ không được sung sướng như những người đàn bà khác. Bảo bắt gặp nước mắt mẹ chảy xuống khuôn mặt thường xuyên. Đôi mắt buồn của mẹ luôn có ngấn nước mắt quanh tròng. Trong xóm, không những người lớn nhìn mẹ bằng đôi mắt quái lạ, ngay cả tụi con nít đồng tuổi của Bảo cũng thế. Tụi nhỏ hể nhìn thấy Bảo, tụi nó chọc quê Bảo bằng mấy câu:




-Con lai mười hai lổ....đ.......




Thật ra Bảo chưa hề biết mặt người cha xứ lạ là ai, và cũng chưa một lần hỏi mẹ về người cha đã cho Bảo đôi mắt xanh ngời này. Mỗi lần soi mặt mình vào tấm gương, Bảo thấy mình khang khác hẳn với tụi nhỏ trong xóm. Màu da trắng hồng, tuy ngày ngày chơi đùa trong nắng, nhưng làn da trên khuôn mặt Bảo vẫn không hề sạm nắng, mà chỉ đỏ hực lên. Trong xóm Bảo còn có thêm hai đứa bạn gái, con Mưa, con Vui. Con Mưa cũng có làn da trắng hồng như Bảo, đôi mắt còn xanh hơn Bảo nữa. Riêng con Vui có màu da sạm đen, hai hàm răng trắng, cộng thêm đôi mắt to tròn trên khuôn mặt nên bị mấy đứa nhỏ trong xóm chọc quê nhiều hơn cả Bảo. Tụi con nít ở cái xóm nghèo này thật nhiều, nhưng chỉ có Mưa và Vui biết chia xẻ với Bảo từng miếng kẹo, từng miếng bánh.




Mẹ Vui mất sớm, nó ở với bà dì. Bảo không biết nó có sung sướng như đứa con gái cùng xóm không, cho đến khi lớn lên mới biết về hoàn cảnh nó nhiều hơn. Bà dì, em của mẹ tính tình tương đối dễ chịu, chỉ có mỗi cái tội, quá nghèo nên Vui phải gánh vát chuyện gia đình thêm để giúp đỡ dì. Lúc nào Bảo cũng thấy nụ cười với hàm răng trắng dã của nó, có lẽ vì thế nên mẹ nó đặt tên như con người vậy. Tội nhất là con Mưa, sau ngày những người lính viễn chinh rời khỏi đất nước nhỏ bé này, mẹ nó bơ vơ không chỗ nương tựa nên bằng lòng làm vợ người đàn ông say sưa tối ngày, khiến nó hứng chịu nhiều trận đòn khá nhớ đời.




Với đôi mắt nhỏ nhoi của Bảo chỉ có điều mơ ước là được cắp sách đến trường như bao đứa nhỏ cùng tuổi. Nhưng mẹ nghèo lắm. Căn phòng của mẹ và Bảo, chỉ nhỏ chút xíu như nắm tay, rộng đủ cho một chiếc gường tre nhỏ và gói áo quần của hai mẹ con. Ở đây phòng bếp là cái lò nấu bằng dầu hỏa. Thỉnh thoảng mẹ mới làm một hai món ăn cho hai mẹ con. Nếu mẹ đi xa khoảng vài ngày mới có chút đỉnh tiền, còn những ngày còn lại vài củ khoai, củ sắn hoặc ổ mì nguội lạnh.




Lớn lên chỉ biết có mỗi mình mẹ bên cạnh, Bảo không hề biết mình có bà ngoại như những đứa bé trong xóm. Mẹ cũng chưa một lần đá động hoặc kể cho Bảo nghe về gia đình của mẹ. Cho đến một hôm Bảo ngồi nhà bỗng thấy bà Thoa kêu cửa nói có người thân kiếm mẹ. Đi bên cạnh bà Thoa có thêm người đàn bà hình dáng và nét mặt hao hao giống mẹ. Người đàn bà lạ không cần hỏi Bảo lấy một câu nào, bà đã ôm chầm lấy Bảo:




-Nó có con như vậy, đến bây giờ tôi mới hay. Thật tội nghiệp thân thằng bé. Mới bấy nhiêu tuổi phải ở nhà một mình. 

Rồi bà nâng niu, ôm lấy Bảo như vừa kiếm được món quà yêu thương nhất trong đời. Mẹ về đến ngạc nhiên khi thấy bà ngoại, mẹ chỉ còn biết khóc ròng. Bà ngoại bảo mẹ về nhà, nhưng mẹ lại khóc rồi lắc đầu:




Con không muốn mẹ phải gánh chịu những việc con đã làm. Còn hàng xóm, còn bà con mình nữa, làm sao nhìn mặt người ta hả mẹ.




Ngoại cũng khóc. Lần đầu tiên Bảo mới thấy ngoài tình yêu thương của mẹ ra, Bảo vẫn còn bà ngoại. Bà cũng không giàu có gì, nhưng bà giàu về tình thương yêu con và cháu. Điều này mặc dù Bảo còn nhỏ, nhưng nhận biết tình thương của ngoại dành cho mình.




Nghe mẹ nói ngoại ở tận dưới miền Tây. Xa thành phố Bảo và mẹ đang ở, nên ngoại không lên thăm Bảo đều đặn được. Thỉnh thoảng gần tết hoặc có người đi lên trên này, bà mới đi theo họ. Mỗi lần ngoại lên thăm, quà của ngoại là những trái ổi hoặc xoài hái trong vườn, nhưng Bảo cảm thấy mình thật hạnh phúc. Hạnh phúc như những đứa trẻ giàu có thụ hưởng được món quà ngon. Tình thương của ngoại dành trọn hết cho Bảo. Ngoại không buồn phiền khi dẫn Bảo ra chơi ngoài đầu xóm, mặc dù nhiều đôi mắt không mấy cảm tình đổ lên trên người ngoại. Một lần, Bảo nghe ngoại nói với bà Thoa:




-Con dại, cái mang. Không lẽ tôi bỏ đứa con này sao chị. Gần cả chục năm nay, nó bỏ nhà đi làm ăn xa cũng cố tình giúp đỡ cho ba nó qua khỏi cơn bệnh. Nó chịu cực, chịu khổ nuôi con một mình nào ai hay. Từ ngày ba nó mất đi, tôi cố dò la tìm kiếm, tưởng đã hết hy vọng, nhưng cuối cùng cảm tạ Trời Phật thương lấy đã cho tôi tìm ra con. Nếu có trách thì trách vợ chồng tôi, chỉ mỗi mình nó nuôi cũng không nỗi, để cuộc đời con phải gánh lấy những hậu quả thê thảm như hôm nay.




Niềm vui của tuổi thơ chưa trọn vẹn, cho đến một ngày thật buồn trờ tới trong đời Bảo. Năm bảo vừa đầy chín tuổi. Một hôm sau ba ngày đi làm ăn xa như mọi lần, khi mẹ về đến, đôi mắt mẹ sưng mọng. Mẹ vừa về đến nhà không bao lâu, bà ngoại cũng vừa ở miền Tây lên. Mẹ và ngoại ngồi nói chuyện thì thầm với nhau thật lâu. Mẹ khóc, bà ngoại cũng khóc. Linh tính báo cho Bảo biết có chuyện không hay sẽ xảy đến. Sau đó, mẹ gọi Bảo, cầm tay Bảo ấp vào mặt mẹ:




-Có chuyện mẹ muốn nói cho con hay...Mẹ nín lại như muốn khóc...Mẹ nhờ ngoại lên trên này ở với con trong những ngày mẹ không có nhà.

Bảo nhìn mẹ:

-Mẹ đi xa như mọi lần phải không. Có ngoại, con không sợ như trước.

-Mẹ đi xa lần này, lâu lắm mới trở về. Con ở nhà với ngoai, phải gắng nghe lời của ngoại, đừng để ngoại buồn. Mẹ sẽ gởi tiền về cho ngoại nuôi con. 

-Nhưng rồi mẹ sẽ về với con và ngoại chứ!

Mẹ nói trong tiếng khóc:

-Ờ! Nhưng mẹ không biết bao lâu. Ở nhà đã có ngoại mẹ cũng đỡ lo, chỉ buồn vì xa con...

 -Vậy mẹ cho con đi theo mẹ.

-Không được, người ta chỉ chịu nhận mỗi mình mẹ, làm sao mẹ đem con theo. Thôi con chịu khó ở nhà, mẹ hứa sẽ gởi tiền về cho ngoại và con mỗi tháng.




Nghe những lời mẹ nói, Bảo không biết mình giận mẹ vì mẹ không chịu cho Bảo đi theo hay buồn vì sắp xa mẹ. Bảo khóc thê thảm. Nhưng tuổi thơ quá bé bỏng hiểu thêm chuyện người lớn, nên xong cơn khóc, Bảo dễ dàng cười đùa không chút phiền muộn.




Bảo còn nhớ, buổi sáng nắng gắt trên đầu, Bảo theo ngoại ra phi trường tiễn chân mẹ đi. Mẹ khóc từ nhà đến phi trường không dứt. Ngoại cũng khóc chẳng khác gì mẹ, chỉ có Bảo khóc ôm lấy mẹ nhưng đôi mắt vẫn chăm chú nhìn những người đưa tiễn. Gần phút cuối, Bảo thấy người đàn ông to lớn, da dẻ giống như Bảo trờ đến nói gì đôi ba câu và kéo tay mẹ đi vào phía trong. Lúc đó, Bảo nhướng người nhìn theo và chỉ biết khóc la hét đòi theo mẹ. Nhưng bàn tay xương xẩu của ngoại cầm chặt lấy tay Bảo, giọng ngoại đầy căng nước mắt:




-Thôi con, để mẹ đi vài ba bữa mẹ về. Con theo ngoại về nhà đi con. 

Bảo vừa đi vừa khóc. Chiếc  xe xích lô trờ tới, ngoại và Bảo chui lọt vào trong. Trên đầu chiếc máy bay dần dần tăng độ cao. Bảo đâu có biết con tàu rú gầm trên bầu trời rộng bao la đó đưa mẹ ra đi không bao giờ trở lại.

..... Mấy tháng đầu, mẹ gởi tiền kèm lá thư thật dài về cho ngoại như lời mẹ đã hứa. Nhưng rồi dần dần, ngoại và Bảo chẳng còn biết tin tức gì của mẹ nữa.




Thời gian sau khi hai miền bắt đầu hòa nhập vào nhau, ngoại và Bảo cũng không nghe tin gì của mẹ. Ngoại giờ đã già, số tiền mẹ gởi về đã cạn. Ngoại càng ngày càng yếu. Nhìn thấy tương lai của hai bà cháu trước mặt, Bảo tìm công việc nuôi ngoại. Buổi sáng sớm, Bảo nhận bánh mì từ lò giao mì cho những quán hàng ngoài chợ. Công việc hàng ngày không có gì nặng nhọc, duy chỉ thức dậy thật sớm để đi giao hàng. Sau đó có người nào muốn Bảo chở hàng hoặc công việc gì có chút đỉnh tiền, Bảo nhận lời làm ngay không từ chối, miễn sao đủ tiền cho ngoại và Bảo chi tiêu trong ngày.




Những ngày cuối của đời ngoại, dù nằm một chỗ nhưng mỗi lần nghe tiếng xe dừng lại trước ngõ, ngoại cố nhắc đầu lên nhìn cho đến lúc kiệt sức, ngoại chỉ biết nhìn Bảo để mặc những giọt nước mắt ướt lên bàn tay cháu. Bảo biết ngoại mong mẹ mỗi ngày.




Cuối cùng ngoại cũng bỏ Bảo lại một mình. Ngày ngoại mất đi, Bảo mới thấy mình thật sự bơ vơ. Mỗi đêm khi trở về nhà một mình ngồi nhìn tấm ảnh của ngoại, Bảo không ngờ cho đến hôm nay chẳng còn mẹ, cũng chẳng còn ngoại. Nhìn quanh mình, may mà Bảo còn có Vui và Mưa để làm bạn.




Nhờ có Vui và Mưa phụ bán cơm, bánh mì ngoài chợ nên ngày hai buổi Bảo khỏi còn lo thức ăn cho mình. Một đôi khi Bảo ra chợ phụ giúp Mưa và Vui đem cơm cho những người bán hàng trong chợ, thỉnh thoảng Bảo được họ cho thêm tiền tiêu vặêt. Con Mưa trước đây, nó có vẻ dành nhiều cảm tình cho Bảo, nhưng từ khi biết Bảo tương tư người con gái trên phố, nó không còn ăn nói dịu dàng như trước.


Đôi lúc nó xẳng giọng, nộ nạt Bảo trước mặt những người trong chợ. Nhưng Bảo không hề giận. Chỉ có con Vui tội nghiệp, đùa cho có bạn với Mưa, nhưng tính tình nó thật dễ thương không nộ nạt Bảo như Mưa. Đôi khi kiếm được khá tiền trong ngày, nó còn cho Bảo tiền mua thuốc lá. Vui lúc nào cũng coi Bảo như người anh, thế thôi. Bảo cũng biết tình cảm của Mưa, nhưng Bảo chỉ yêu người con gái đã gặp, tuy biết rằng cuộc tình của mình sẽ không đi đến đâu cả, nhưng đã bảo là tình yêu không thể nào hiểu nỗi.




.... Ngày mẹ nhận đem Bảo qua Mỹ.




Thật bất ngờ sau nhiều năm không nhận được tin của mẹ, bỗngï dưng không đâu mẹ gởi giấy tờ bảo lãnh qua Mỹ ở với mẹ, Bảo không biết mình vui hay buồn. Ngồi một mình nhìn lại quảng đời mình, Bảo không có lấy đến một người thân bên cạnh. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Bảo cũng đồng ý. Không lâu Bảo đã lên máy bay để sum họp với mẹ. Ngày Bảo ra đi, Vui và Mưa khóc đưa tiễn Bảo lên phi trường giống như lần Bảo đưa tiễn mẹ. Nhưng khác với mẹ không hứa với Bảo là sẽ trở về, riêng Bảo hứa với Vui lẫn Mưa cho dù gì đi nữa Bảo cũng nhất định trở về thăm. Sẽ trở về quê hương nơi có nắm mồ của ngoại đã yên nghĩ mãi tận ngàn đời.     




...Căn nhà của mẹ và người chồng sau này không lớn lắm, Bảo còn có thêm hai cô em cùng mẹ khác cha nữa. Tổng cộng bốn người, và nay lại có thêm Bảo. Không hiểu vì thời gian xa mẹ quá lâu hay vì duyên cớ gì, khi gặp lại mẹ, tình thương giữa hai mẹ con hình như không được đậm đà như xưa. Trong mắt Bảo ngày đó hình ảnh mẹ dịu dàng, u phiền. Nay đã thay đổi. Bảo không dám khẳng định những gì mình suy nghĩ, nhưng mấy tháng ở với mẹ và những người trong gia đình, Bảo cảm thấy như mình bị bỏ rơi. Khác biệt ngôn ngữ đã là một vấn đề lớn. Không làm sao thông cảm nhau được. Bảo đã xin mẹ theo người bạn mới gặp đi làm ăn tiểu bang khác, mẹ hơi lưỡng lự, nhưng ý của Bảo đã nhất quyết dù mẹ không bằng lòng Bảo cũng nhất định ra đi. 




Mười lăm năm biết bao nhiêu thử thách. Nhưng không ngày nào Bảo không mơ ước ngày trở lại quê nhà. Nhớ nhất vào những ngày cận tết. Cũng đã lâu không nhận được tin Vui và Mưa. Lần cuối Bảo nói chuyện qua điện thoại với Vui, Mưa sắp lấy chồng. Thời gian khiến con người quên vơi những chuyện cũ....Bảo lẩm bẩm trong miệng.

Tiếng còi xe taxi vang lên sau lưng. Bảo chợt sực nhớ mình đứng đây đã khá lâu. Bảo chép miệng tiếc rẻ, tiếc không gặp lại người con gái xưa. Không biết giờ này Thanh ở đâu và có gia đình hay chưa. Đây là câu hỏi mãi mãi trong đầu Bảo.

                                                         .... 

Vui ngồi khuất mình sau hàng vải. Tìm một lúc Bảo mới thấy người bạn cũ. Không ngờ vừa nhìn thấy Bảo, Vui đã nhận ra ngay. Không cần giữ gìn ý tứ, Vui nhảy ra ôm chầm lấy Bảo, nước mắt đẫm ướt vai áo Bảo. Vui khóc ròng:

-Ai ngờ thằng bán than nay đã khác hẳn. Nhưng tao vẫn nhận ra, cái dáng đi của mầy không khác gì cả. 

Bảo nghe người bạn cũ nói, chàng bật cười:

-Cái tên khốn khổ kia bà gán cho tui như dấu tay in trên giấy không hề phai. Lâu quá vẫn không quên, vẫn giọng lưỡi như ngày xưa.

-Ừ! Sao mầy về hồi nào. 

Nói đến đây Vui đứng rời ra, ngắm nghía Bảo một hồi, cười bừng:

-Dạo nầy bãnh quá ta. Bộ qua bên đó làm ăn khấm khá lắm hay sao. Áo quần coi bộ xôm trò ghê hỉ. Mà à này! Có quà cho tui không đó. Không lẽ đi bặt mười mấy năm, về thăm tay không. Tui chờ gần già người rồi chứ không phải chơi. Quà đâu...

Vui ngữa tay ra trước mặt Bảo. Nó chẳng thay đổi gì cả. Vẫn con Vui ngày nào. Bảo vui mừng nhìn bạn cười:

-Có cho bà cả một va-li lớn. Chút nữa theo tui về khách sạn mặc sức chọn. 

-Sao không đem lại đây.

-Sợ không gặp. À! Còn Mưa đâu?

-Hắn sắp sửa sinh. Mấy bữa nay hay về nhà sớm.

- Dạo này Mưa có khá không?

-Cũng vậy. Tuy nhiên thằng chồng nó lo chí thú làm ăn. Vừa nhắc tới mầy hồi hôm đó. Nó nói trong đời, nó chỉ thương có mỗi mình mầy, nhưng mầy lại chê nó đem lòng tơ tưởng con khác.

-Tui với hai bà từ ngày còn nhỏ, coi hai bà như chị em. Mà lúc xưa tui đâu có biết nó thương tui. Thôi đàng nào nó cũng có chồng có con rồi. Tui cũng mừng cho Mưa. 

-Có quà cho nó không?

-Có chứ sao không. Tui mua cho cả hai. Về đây chỉ có chừng đó, không lẽ quên hai bà sao được. 

-Ừ, chút nữa tao theo mày về khách sạn coi thử qùa gì. Mà này qua bên đó làm ăn gì sao không nghe mầy kể trong thư gì cả.

-Chuyện dài như nhân dân tự vệ. Chiều này rãnh không?

-Trưa hết việc. Chút nữa có người khác thay thế.

-Vậy tui đứng đây nói chuyện chờ Vui.




Đã lâu không gặp mặt, cách xưng hô của hai đứa cũng lộn xộn như mới bòng bong. Vui nghe Bảo đổi giọng gọi mình bằng tên chứ không kêu mày tau như trước, tự dưng nó nhìn Bảo. Ừ, thì cả hai đứa cũng đã lớn không còn như trước. Bộ dạng nó khác xưa nhiều quá, lịch lãm trong lời ăn tiếng nói. Nhưng nó vẫn là Bảo, tính tình nó vẫn như xưa. Bỗng nhiên Vui muốn khóc. Miệng mếu máo nhìn Bảo. Không hiểu Bảo đang suy nghĩ điều gì, nhưng khi nhìn qua Vui, Bảo cũng muốn ôm chầm bạn. Giọng Bảo lạc đi:




-Thôi Vui, mọi chuyện đã qua đi. Về lại đây gặp được nhau như vậy là mừng lắm rồi. Tui đi qua bên đó, nhưng trái tim tui để lại bên này. Nhiều đêm tui nhớ Vui và Mưa cũng nằm khóc ngất ngư một mình, chứ có khá hơn Vui đâu. Mười mấy năm nay, lo làm ăn cốt để có tiền về lại thăm Vui và Mưa. Đời tui còn có ai nữa ngoài hai người.


 


Nếu không vì thương hai bà, tui sống ra sao cũng được, nhưng nghĩ đến cuộc sống khốn khổ tụi mình phải chịu đựng, tui cắm đầu cắm cổ làm, kiếm được đồng nào tui cũng lui cui cất giữ không dám tiêu. Về đây, tui sợ tình cảm của Vui và Mưa thay đổi, ngồi trên máy bay mà lòng hồi hộp sợ muốn chết. Con người ta thường theo thời gian hay thay đổi, nhất là tình cảm. Nhiều lúc nghĩ đến tui sợ thiệt tình, bởi vì tui đã dẫm qua, đã bị đời cho biết vị nồng cay của cuộc đời. Ngày mai bà xin nghĩ làm vài bữa, tụi mình đi chơi với nhau. Nhớ hai bà muốn chết. Việc đầu tiên tui phải xin lỗi Mưa. Chuyện tình cảm đôi lúc không phải do chính mình quyết định, mà nhiều lúc tui nghĩ có lẽ tại duyên số nữa phải không Vui. Giá như trước đây, tui không gặp cô gái đó, biết đâu chừ tui và Mưa nên vợ nên chồng rồi. Nhưng Vui nhìn lại coi, đến giờ nầy tui đã ba mươi hai tuổi nhưng vẫn còn sống độc thân.




Vui ngắt lời Bảo:

-Bộ tính về đây tìm lại cô công chúa đó hả?

-Không, nhưng thỉnh thoảng tưởng nhớ thì có. Ngày xưa Mưa và Vui chọc quê tui bảo là mối tình Trương Chi Mỵ Nương. Thằng bán than mà bày đặt yêu con nhà giàu, con quan con quyền, trâm anh thế phiệt. Nhưng đó là mối tình mới lớn, khi yêu mình đâu nhìn lại bản thân mình. Tui cũng không nhớ mình là đứa con lai. Tuổi bồng bột mà Vui, mình đem lòng yêu thầm người ta, chứ có ai thèm yêu mình. Nhưng thật sự con lai thì đã tội tình gì. Tại sao xã hội khắc khe với tụi mình ghê Vui hỉ.


Mấy đứa mình có ai chọn lựa sự ra đời của mình đâu. Mẹ mình cũng vì hoàn cảnh đưa đẩy mới lâm vào cảnh khốn khổ. Nếu có sự chọn lựa, tui nghĩ mẹ tui hay mẹ của Vui hoặc mẹ Mưa không ai thèm chọn cuộc sống u buồn này cả. Tất nhiên tụi mình cũng không. Lúc nhỏ nhìn mấy đứa nhỏ cắp sách đến trường, tui ao ước được như chúng, nhưng đành chịu. Hoàn cảnh Vui cũng thế, ai dại gì đi lựa chọn cuộc sống lầm than. Vậy mà hai đứa mình còn khá hơn hoàn cảnh của Mưa, nếu so sánh với Mưa, nó còn tội gấp trăm lần nữa. Nhưng rồi cũng phải cúi đầu nuốt nước mắt mà sống. Nghĩ mãi như thế, tui phải cố gắng làm việc. Suốt mười lăm năm nay, từ hai bàn tay trắng tui đã tự tạo cho mình một tương lai, không cần nhờ vã vào ai kể cả mẹ. Ông trời có mắt mà Vui. Về đây, có nhiều chuyện để kể cho Vui và Mưa nghe. Chiều nay Vui đi lại nhà Mưa với tui. Nói cho Vui mừng, tui có chút tiền đem về giúp vợ chồng Mưa làm vốn, cả Vui nữa. Tui không để Vui khổ nữa, đây là nguyện vọng của tui nhiều năm qua. Tụi mình cực khổ quá nhiều rồi. Trước sau gia đình tui võn vẹn chỉ có Vui và Mưa mà thôi.




Vui ôm chầm Bảo, nước mắt thấm ướt lên vai áo. Vừa quẹt nước mắt, Vui nói:

-Chiều đi thăm Mưa, rồi tối nay tui đưa Bảo đi coi nhạc.

Bảo khoát tay:

-Thôi chiều đi thăm Mưa, nhân tiện mua thêm thức ăn chung vui với gia đình Mưa. Khỏi đi đâu hết. Tụi mình còn nhiều chuyện chưa kể hết.

-Nhưng tui muốn cho Bảo xem chuyện này khá đặc biệt.

-Chuyện gì cũng bỏ hết. 

-Nhưng tui biết Bảo sẽ ngạc nhiên. Cứ tin tui đi. Tối đi trễ trễ cũng không sao.

-Ừ, thì mình đi. Bảo khẻ gật đầu không muốn buồn lòng người bạn.

Đứng thừ người chờ Vui, Bảo mới nhận thấy sự xưng hô giữa mình và Vui đã khác. Nhưng nụ cười của Vui ngày nào vẫn không khác mấy.




Ôm mấy gói quà trên tay, Bảo theo chân Vui vào ngõ nhỏ thăm Mưa. Căn nhà của Mưa nằm tuốt sâu trong xóm. Vui chào những người đứng quanh đó, họ nhìn chăm chú Bảo. Cái xóm lao động ngày xưa nay cũng khác lạ. Những ngôi nhà nơi đây, không cùng  kích thước. Chẳng có nhà nào giống nhà nào. Cái thì xây cao chót ngót, cái thì vẫn còn sồi sụt, nhưng con đường xóm có vẻ rộng hơn trước. Căn nhà cũ của mẹ trước khi Bảo ra đi đã giao lại cho chủ nợ. Ngày đó Bảo phải bán đi nhưng đành giấu ngoại để có số tiền nho nhỏ lo chạy chữa thuốc men cho ngoại. Căn nhà giờ đây đã bị cày bỏ đi thay vào đó ngôi nhà có cửa sắt bên ngoài. Nếu không có Vui đưa đến, có lẽ Bảo cũng bị bối rối tìm nhà của Mưa.




Chưa bước chân vào nhà, tiếng Vui liếng thoắng gào to:

-Mưa ơi! Ra mà coi ai đây nè Mưa. Mầy không ngờ được đâu.

Mưa hiện ra nơi khung cửa nhỏ, lặng người vẻ mặt bàng hoàng khi nhìn thấy Bảo. Nhưng không lâu, nụ cười méo mó trên môi:

-Trời ơi! mầy về thiệt hả Bảo. Ai ngờ.




Cái bụng bầu của Mưa nhô cao dưới lằn áo. Bảo chưa kịp bước vào cửa, Mưa đã ôm chầm lấy, khóc lấy khóc để:

-Nào ai dè mầy về thăm. Hai đứa tao tưởng ngày đó ra đi, mầy đi luôn không về nữa. Tụi tao bữa nào ngồi ăn cơm với nhau nhớ mầy muốn ứa nước mắt. Mười mấy năm rồi không thể quên mầy được. Nhưng sao mầy không gọi cho tụi tao biết ngày về để ra phi trường đón. Hôm nay không dưng tao lại bỏ về sớm. Con Vui gặp mầy trước, nó cũng chẳng thèm phôn cho tao một tiếng.




Mưa nói một tuôn không ngừng. Bảo ôm bạn trong tay cười òa:

-Mới về đến lúc chín giờ sáng, đến tìm hai bà liền. Tui dặn Vui đừng gọi cho bà làm gì, cứ để như vậy cho ngạc nhiên chơi.

-Ủa, thiệt tình mầy mới về tới hồi sáng hả?

Vui trề môi, cười:

-Không lẽ tao đi nói láo với mầy.

Vui thả mấy gói quà trên tay;

-Ôm quà đến cho mầy mỏi cả tay lại không có tiếng cám ơn.

Bảo nhìn quanh căn nhà của mẹ Mưa để lại. Nói nhà chứ thật sự không lớn hơn căn phòng trước đây của mẹ Bảo mấy, nhưng thời buổi này có nhà là cũng may mắn lắm rồi, chứ không thuê một căn phòng cho hai vợ chồng èo ọt không giống ai cũng phải mất ít nhất cũng gần một triệu. Căn nhà ngay giữa thành phố không phải dễ tìm.

Mưa tự nhiên ôm cánh tay Bảo, ấp vào mặt mình:




-Sao, bộ đi lâu quên mất tiếng mẹ đẻ hay sao không nghe nói năng gì cả.

-Tui gặp hai bà mừng quá không biết nói gì hơn nữa. Ngồi nhìn nhà của bà, tui mừng. Dễ dàng gì có căn nhà giữa thành phố. Không ở chui ở ổ là may lắm rồi. À, mà ông xã của bà đâu?

-Ông chạy xe, có lẽ cũng sắp về tới.

-Nghe Vui nói Mưa gần ngày sinh hả?

-Chắc vậy, mấy bữa nay nó đạp dữ quá. Hồi sáng ngồi ngoài chợ sợ đau bụng nên mới bỏ về sớm. Hai người tới, tui đâu biết để chuẩn bị thức ăn. Mưa ngại ngùng nói.

- Ồ khỏi cần, trước khi tới đây, tao với thằng...à Bảo ghé lại tiệm mua thêm thức ăn đây này. Vui lanh lẹ tháo mấy túi thức ăn dọn lên bàn.




Mưa nhìn Bảo:

-Nè, tụi mình lớn hết rồi, kêu tao mi nghe kỳ kỳ. Thôi thì gọi nhau bằng tên cho có vẻ lịch sự, phải không Bảo.

-Tui thì sao cũng được.

Vui cười ngất:

-Chà bữa nay sao lịch sự quá vậy mầy. Mọi bữa mi tao tuốt luột. Hay có thằng Bảo về mầy thay đổi cách xưng hô.

-Không phải tao. Nhưng tụi mình giờ lớn hết rồi, phải thay đổi chứ. Nay mai con tao nghe tụi mình mày mày tao tao, con nít cũng bắt chước.




-Thôi bà Vui cứ nghe Mưa như vậy đi. Nay mai mình còn có cháu nữa, phải tập dần dần là vừa.

Bảo lặng người ngồi im lặng. Đã bao nhiêu năm qua không có giây phút đầm ấm như bây giờ. Nay mới hiểu cái tình thương này thật khó tìm. Bảo thật không ngờ có những cái ao ước lớn nhất trong đời Bảo giờ đây cũng đã thành sự thật. Tiếc rằng ngoại đã mất. Bảo vẫn nhớ ngày xưa Bảo từng hỏi ngoại niềm ao ước nào ngoại mơ nhất. Ngoại đã không ngần ngại ôm Bảo vào lòng trả lời:




-Ngoại chỉ ao ước ngoại có tiền cho con đến trường học như những đứa bé trong xóm. 

Bảo nhớ sau câu nói, ngoại vội quay đi lau nước mắt. Riêng Bảo cũng đã khóc, nhưng khóc với giọt nước mắt khô nuốt vội trong lòng, chứ không để những giọt nước mắt ướt trên mi như ngoại. 




Hiếu, chồng của Mưa vừa về tới. Anh ta bắt tay Bảo mừng rỡ:

-Mặc dù tôi chưa một lần gặp anh, nhưng Mưa nhắc tên anh mãi. Tôi biết anh và hai cô này có nhiều kỷ niệm với nhau lắm. Không những vợ tôi nhắc tên anh, còn có dì này nữa. 

Anh ta chỉ tay về phía Vui, cười.




Bữa cơm thật ngon miệng. Chén cơm của Bảo ngút ngàn thức ăn do Mưa và Vui bỏ vào. Bảo vui mừng khi nhìn thấy chồng của Mưa thỉnh thoảng nhắc chừng vợ ngồi dựa vào thành ghế.




Bóng tối chan đầy bao trùm trong ngõ. Bảo nhắm mắt tưởng nhớ lại một thời. Bên tai Bảo dường như vẫn còn vang vọng những âm thanh khó quên ngày nào.




Như đã đồng ý với Vui, khi bốn người bước ra đầu ngõ, chiếc xe ta-xi cũng vừa trờ tới đón khách. Khoảng đường thật ngắn ngũi từ nhà Mưa đến phòng trà, nhưng Vui sợ Mưa mệt nên gợi ý Bảo lên xe. Phòng trà Vui đưa Bảo đến cùng vợ chồng Mưa không lớn lắm. Bên ngoài xe gắn máy đậu đầy nghịt. Tiếng nhạc nổi lên nghe ầm ầm từ trong phòng dội ra. Lâu lắm Bảo mới đi nghe nhạc và không hiểu ý Vui, sao bà này cứ bắt Bảo phải lại đây nghe nhạc cho bằng được, dù cho Bảo muốn ở nhà.




Căn phòng tối căm xen mùi thuốc lá nghe thật nồng nặc. Khói thuốc phủ đầy khắp phòng. Đứng một lúc mới có thể nhìn thấy bàn để ngồi. Bốn chiếc ghế được kê lại gần nhau. Thỉnh thoảng Vui nhìn Bảo rồi mím môi cười.

Bảo kề sát Hiếu trò chuyện, nhưng tiếng nhạc quá lớn kèm theo mấy người ca sĩ gào thét tên sân khấu, nên chỉ nghe tiếng được tiếng mất không rõ ràng.




Bỗng nhiên Vui cấu vào tay Bảo chỉ lên sân khấu. Cô ca sĩ vừa bước ra. Ánh đèn mờ mờ chưa soi rõ mặt. Cô ca sĩ được anh chàng MC mặc áo đỏ giới thiệu, Ngọc Lan. Tiếng vỗ tay nghe rời rạc. Bảo thoang thoáng nhớ dáng người cô ca sĩ. Chừng quá ngạc nhiên, Bảo mở to đôi mắt:




-Không lẽ...

Vui cấu tay Bảo:

-Bảo biết cô ca sĩ này không?

- Không lẽ Thanh...

-Còn gì nữa. Cô công chúa của chàng bán than ngày xưa đó. Nhớ chứ?

Trên sân khấu, dáng Thanh mong manh yếu đuối. Trước mắt Bảo, cảnh vật chao qua lại từng chập. Đầu óc Bảo như choáng váng. Thanh cất tiếng hát. Giọng hát ngấn chút phiền muộn. Một cách vô ý thức, vài cậu vẻ mặt còn non huýt gió chê bai. Vui kéo tay Bảo, chỉ về chiếc bàn trong góc phòng:




-Chồng cô công chúa đó. Ông ta đưa cô đi hát mỗi đêm. Xong kèm cô ta chở xe về, không lìa xa lấy một bước. 

Trên sân khấu, giọng ca cất lên lẫn khói thuốc:  




...Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa. Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố. thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình. Làm sao em biết đời sống buồn tênh...

Giọng hát như lời trách móc.




Đầu óc Bảo ngổn ngang những lời buồn bên tai. Nhắm mắt nhớ lại dáng người con gái với mái tóc thề trong tấm áo dài trắng qua khung cửa nhỏ. 

Riêng chỉ mỗi mình Bảo vẫn xót xa nhớ, nhớ những kỷ niệm và chẳng hề quên con đường về. Và chàng Trương Chi ngàn đời vẫn mãi hoài tương tư dáng xưa, dù đã mười mấy năm qua.




      Quách Y Lành

 

DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Xa Xóm Mũi (31-03-2024)
    X - Năm Một Ngàn Chín Trăm Năm Xưa (31-03-2024)
    Vị Của Lời Câm (31-03-2024)
    Neo Lại Bóng Mình (18-02-2024)
    Bóng Của Thành Phố (18-02-2024)
    Chuyện Cục Kẹo (24-01-2024)
    Con Trai Và Má (24-01-2024)
    Củi Mục Trôi Về (24-01-2024)
    Bùa Yêu Và Con Nhỏ Thất Tình... (24-01-2024)
    Biết Sống (07-01-2024)
    Biển Của Mỗi Người (07-01-2024)
    Ấu Thơ Tươi Đẹp (07-01-2024)
    Áo Rách Và Nắm Bụi (07-01-2024)
    Ai Biểu Xấu (30-11-2023)
    Áo Tết (30-11-2023)
    Bên Sông (01-10-2023)
    Bóng Của Thành Phố (01-10-2023)
    Ăn cơm một mình (01-10-2023)
    Từ bi ươm sức sống (01-10-2023)
    Nhà mưa (24-08-2023)

Các bài viết cũ:
    Lãng đãng mùa thu đến (24-10-2015)
    Một Góc Đời (17-10-2015)
    Vòng tay ngày mới lớn (05-10-2015)
    Khi mặt trời trốn mất (10-09-2015)
    Dòng Nước Lũ (02-09-2015)
    Con dốc đầu đời (25-08-2015)
    Lối nắng (21-08-2015)
    Màu mắt lạ (13-08-2015)
    Chuông Giáo Đường (09-08-2015)
    Nơi có những cây tùng xanh biếc (06-08-2015)
    Bên Ni Bờ Thương Nhớ (27-07-2015)
    Vạt nắng còn lại (19-07-2015)
    Trơ Trọi (14-07-2015)
    Người Mẹ Không Con (08-07-2015)
    Nỗi Lặng Yên (30-06-2015)
    Màu Thời Gian (22-06-2015)
    Mưa hạ (08-06-2015)
    Năm đại gia bất động sản và vợ chồng ngư phủ cùng ba điều ước (05-06-2015)
    Tội đồ trong kinh thánh? (30-05-2015)
    Mẹ (25-05-2015)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 152816205.